Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của thanh niên và gợi ý một số chính sách thúc đẩy khởi nghiệp thanh niên tại tỉnh Tiền Giang
Abstract
Luận văn này với mục đích tìm hiểu các yếu tố tác động đến ý định khởi nghiệp của thanh niên tỉnh Tiền Giang. Để có thể đo lường và xem xét các yếu tố nào chi phối việc hình thành ý định khởi đầu một doanh nghiệp, tác giả thiết kế mô hình lý thuyết và đã được kiểm định bởi chương trình SPSS. Dựa trên việc tổng hợp các mô hình từ các nghiên cứu có liên quan trước đây, nhất là các mô hình khởi sự kinh doanh ở khu vực Tây Nam Bộ (Cần Thơ, Trà Vinh), nghiên cứu này phân tích và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của thanh niên và đưa ra một số chính sách nhằm giúp thanh niên tại tỉnh Tiền Giang khởi nghiệp nhiều hơn.
Mô hình nghiên cứu lý thuyết gồm có các yếu tố sau: (1) Nguồn vốn, (2) Kinh nghiệm, (3) Giáo dục, (4) Sự tự tin và (5) Chuẩn chủ quan. Qua phỏng vấn sâu, tác giả bổ sung thêm một yếu tố là (6) Chính sách hỗ trợ của Chính phủ và địa phương.
Sau khi thu thập, sàng lọc dữ liệu, các bảng khảo sát đảm bảo tiêu chuẩn theo thiết kế nghiên cứu được nhập liệu và xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0 với các công cụ thống kê mô tả, phân tích nhân tố khám phá, kiểm tra độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích hồi quy đa biến. Kết quả cuối cùng của nghiên cứu tìm thấy 05 yếu tố đại diện có ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của thanh niên Tiền Giang, cụ thể: (1) Nguồn vốn, (2) Kinh nghiệm, (3) Giáo dục, (4) Sự tự tin và (5) Chính sách hỗ trợ của Chính phủ và địa phương. Trong đó, yếu tố “Giáo dục” chi phối ý định khởi nghiệp tích cực nhất, tiếp theo là “Sự tự tin”, “Chính sách hỗ trợ của Chính phủ và địa phương” và “Nguồn vốn”, trong khi “Kinh nghiệm” là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực.
So với các nghiên cứu trước đây thì kết quả nghiên cứu này có đặc trưng riêng của thanh niên tỉnh Tiền Giang. Đó là: yếu tố “Giáo dục” được thanh niên Tiền Giang xem là yếu tố quan trọng nhất chi phối ý định khởi nghiệp của họ, đồng thời yếu tố “Chính sách hỗ trợ của Chính phủ và địa phương” là yếu tố có ảnh hưởng tích cực đứng thứ ba đến ý định khởi nghiệp của thanh niên trên địa
xii
bàn tỉnh Tiền Giang (dù trước đây đã có đề tài đề cập đến yếu tố này nhưng đa số kết quả nghiên cứu lại không ủng hộ các giả thiết của biến này).
Từ kết quả nghiên cứu, đề tài gợi ý một số chính sách nhằm giúp các đơn vị quản lý thanh niên cấp tỉnh thúc đẩy khởi nghiệp thanh niên phát triển nhiều hơn, theo đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp và các đề án, chương trình của Đoàn thanh niên các cấp về đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Từ khóa: khởi nghiệp, khởi nghiệp thanh niên, ý định khởi nghiệp.