Các nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của cán bộ công chức tại Ủy ban nhân dân huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre
Abstract
Động lực làm việc của người lao động luôn là chủ đề nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, công ty….. Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này ở cấp quốc gia và các nhà nghiên cứu tại Việt Nam cũng không là ngoại lệ nhưng chủ yếu nghiên cứu đến động lực làm việc ở khu vực tư nhân, việc nghiên cứu động lực làm việc ở khu vực công chưa nhiều. Vì vậy, tác giả đã quyết định thực hiện đề tài này nhằm góp phần làm sáng rõ hơn một khía cạnh thuộc động lực làm việc của cán bộ công chức (CBCC) nói chung cũng như tại UBND Huyện Chợ Lách nói riêng.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của cán bộ công chức và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố. Từ đó, đề xuất những chính sách hợp lý để làm gia tăng động lực làm việc của CBCC tại khu vực công. Đề tài được thực hiện bằng cách khảo sát CBCC tại 12 cơ quan trực thuộc UBND huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Mô hình nghiên cứu tác giả đề xuất dựa trên mô hình nghiên cứu của Smith và cộng sự (1969) với mô hình nguyên thủy JDI ( JobDescriptive Index) gồm 5 thành phần công việc (tiền lương, cơ hội đào tạo và thăng tiến, lãnh đạo, đồng nghiệp, điều kiện làm việc), đây là mô hình sở hữu nội dung tốt, các khái niệm có cơ sở vững chắc và được sử dụng ở nhiều nghiên cứu trước. Tác giả đề xuất thêm hai biến: “Phúc lợi” từ mô hình nghiên cứu của Marko Kukanja (2012) và “Sự ổn định trong công việc” từ nghiên cứu của Kenneth s.Kovach (1987) vào mô hình nghiên cứu đề xuất nhưng đã có những điều chỉnh phù hợp với đối tượng nghiên cứu là CBCC. Mô hình nghiên cứu đề xuất gồm bảy nhân tố: (1)Tiền lương, (2) Điều kiện làm việc, (3) Đào tạo và thăng tiến, (4) Quan hệ với cấp trên, (5) Quan hệ với đồng nghiệp, (6) Phúc lợi, (7) Sự ổn định trong công việc.
Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp là nghiên cứu định tính kết hợp với nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định tính được tác giả thực hiện thông qua thảo luận nhóm để phỏng vấn trực tiếp với các chuyên gia để xác định thang đo của các nhân tố tác động đến động lực làm việc CBCC tại UBND Huyện Chợ Lách. Nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua thiết kế bảng câu hỏi dựa trên thang đo Likert 5 mức độ và dữ liệu trong nghiên cứu định lượng được tác giả thu trực tiếp hoặc qua email từ bạn bè thông qua các phiếu khảo sát gởi cho Ban lãnh đạo và cán bộ công chức tại UBND huyện Chợ Lách có thâm niên công tác từ 5 năm trở lên.
- xii -
Nghiên cứu định lượng, tác giả tiến hành phân tích thống kê mô tả, kiểm định hệ số Cronbach’s Alpha để đánh giá độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy, kiểm định phù hợp của mô hình và các giả thuyết nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu phân tích hồi qui cho thấy có sáu nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc CBCC tại UBND Huyện Chợ Lách được sắp xếp theo mức độ giảm dần lần lượt là: Tiền lương, Đào tạo và thăng tiến, Điều kiện làm việc, Phúc lợi, Quan hệ với đồng nghiệp, Sự ổn định trong công việc. Từ đó, tác giả đã đề xuất một số gợi ý chính sách nhằm tạo động lực làm việc của CBCC. Đồng thời, tác giả đưa ra các hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài.